Tăng huyết áp: Ai cũng biết nhưng hiểu sâu về căn bệnh này thì rất ít người biết

Hiện nay thế giới có khoảng 01 tỷ người bị tăng huyết áp. Dự kiến, đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên khoảng 1,56 tỷ người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần tổng số người tử vong của 3 bệnh HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của bệnh là trên 9 triệu người.

Còn tại Việt Nam hiện nay, cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp. Điều đáng nói là, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp gia tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, nếu như năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, thì đến năm 2009, tỷ lệ này tăng lên 25,4%. Đến năm 2016, tỷ lệ này ở mức báo động đỏ với hơn 40% người lớn bị tăng huyết áp.

Khi nhắc đến tăng huyết áp chắc hẳn trong đầu mỗi người sẽ tưởng tượng ra được một số những triệu chứng của bệnh cũng như kể ra được những đối tượng người hay bị tăng huyết áp trong gia đình và xung quanh mình. Tuy nhiên để hiểu sâu về căn bệnh này thì rất ít người biết.

1, Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp hay còn gọi là bệnh huyết áp cao. Là căn bệnh thường gặp ở người những người cao tuổi, người già, người béo phì, thừa cân, hay những người mắc một số những bệnh lí liên quan khác như bị bệnh tiểu đường, mỡ máu cao, hoặc đôi khi là do di truyền.

Bệnh tăng huyết áp xuất hiện khi áp lực máu trong các động mạch tăng cao tỉ lệ thuận theo mỗi nhịp đập của tim.

– Huyết áp là lực tác động của máu lên thành động mạch, nếu áp lực của máu quá cao sẽ bắt tim phải hoạt động nhiều hơn để đáp ứng lượng máu cần cung cấp và đủ máu bơm đi khắp cơ thể.

– Chính vì vậy, nếu huyết áp tăng quá cao rất dễ dẫn đến đột quỵ, kèm theo những cơn đau tim xuất hiện, ngoài ra còn khiến thận bị tổn thương.

– Mức huyết áp bình thường là 120/80 mmHg. Trong đó 120 là con số biểu thị cho huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa – áp lực cao nhất trong lòng động mạch) còn 80 là con số biểu thị cho huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu – áp lực thấp nhất trong động mạch).

– Khi mức huyết áp của bạn lớn hơn 120/80 đến 139/89 thì được gọi là tiền tăng huyết áp (bạn có nguy cơ cao bị tăng huyết áp), huyết áp từ 140/90 trở lên được gọi là tăng huyết áp.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp?

Có rất nhiều những nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp, tùy vào triệu chứng của bệnh của mà mỗi người có những nguyên nhân khác nhau.

Một vài trường hợp là do thói quen sinh hoạt ăn uống không lành mạnh dẫn đến mỡ máu cao gây tắc thành động mạch khiến máu khó lưu thông làm huyết áp tăng cao, có những người do bẩm sinh, hoặc do di truyền từ bố mẹ…

Tuy nhiên trường hợp bẩm sinh thì khá ít, chủ yếu vẫn là do những nguyên nhân chủ quan như:

– Do uống nhiều bia rượu, và đồ uống có cồn

– Hút thuốc lá, và các chất kích thích…

– Do béo phì, thừa cân, không kiểm soát được lượng calo nạp vào khiến tích mỡ trong cơ thể

– Không tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, dù công việc phải ngồi một chỗ lâu cũng không chú ý mà khi đi làm về chỉ ăn uống rồi đi ngủ

– Ăn mặn, sử dụng quá nhiều muối trong chế biến thức ăn hằng ngày

– Thiếu hấp thu các dưỡng chất cần thiết như: calci, kali, magiê…

– Do cơ thể thiếu hụt viatmin D

– Stress kéo dài do thường xuyên bị căng thẳng, và áp lực công việc

– Do tuổi tác, bệnh thường gặp nhiều hơn ở những người lớn tuổi

– Do di truyền: Yếu tố di truyền là nguyên nhân không thể bỏ qua, vì khi gia đình bạn có người có tiểu sử bị tăng huyết áp thì bạn cũng có nguy cơ bị mắc bệnh huyết áp cao

– Do mắc một số bệnh có ảnh hưởng đến tim mạch nói chung và huyết áp nói riêng như: Mỡ máu cao, bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ,…

Từ những nguyên nhân trên có thể thấy đa phần người bệnh tăng huyết áo là do những yếu tố khách quan mà chính bản thân mình gây ra.

Những yếu tố do di truyền hay mắc các bệnh liên quan cũng đóng vai trò rất lớn trong bệnh tăng huyết áp. Tốt nhất là nên kiểm tra huyết áp định kì kể cả khi không thấy có triệu chứng của bệnh tăng huyết áp.

3. Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp?

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì có đến 33% những người bệnh tăng huyết áp không biết mình bị tăng huyết áp. Một phần là do bệnh không có triệu chứng cụ thể, một phần là do mỗi người có triệu chứng bệnh khác nhau, nên để phát hiện sớm nhất bệnh này bạn cần đến bác sĩ khám định kỳ.

Cũng có rất nhiều những trường hợp người bị bệnh chủ quan, cứ nghĩ mình bình thường vì không có biểu hiện bệnh ra bên ngoài nên coi thường không đi khám cho đến khi bệnh chuyển biến nặng dẫn đến đột quỵ, khó thở rồi mới biết, lúc đó sẽ rất khó chữa.

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của bệnh tăng huyết áp:

– Hoa mắt chóng mặt

– Đau đầu dữ dội

– Đau ngực

– Nôn ói

– Mệt mỏi

– Tiểu ra máu

– Có vấn đề về thị giác

– Có các vấn đề về hô hấp

Nếu bạn có những dấu hiệu trên thì hãy đi khám ngay!

4. Biến chứng của bệnh tăng huyết áp?

Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính có thể gây biến chứng trên hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Những hậu quả do huyết áp cao có thể tiến triển theo thời gian nếu không được điều trị hợp lý. Các biến chứng do tăng huyết áp gây ra bao gồm:

4.1. Tổn thương động mạch do tăng huyết áp

Huyết áp cao làm gia tăng áp lực lên thành động mạch, có thể gây tổn thương thành mạch và để lại các mô sẹo. Đây chính là trạm dừng chân “lý tưởng” của cholesterol, canxi và các chất khác để hình thành nên mảng xơ vữa, khiến cho mạch máu trở nên xơ cứng, kém đàn hồi và bị thu hẹp lại. Mảng xơ vữa là căn nguyên của các bệnh lý như:

– Bệnh mạch vành: Mảng xơ vữa gây tắc nghẽn mạch vành, làm giảm lưu lượng máu tới nuôi dưỡng cơ tim gây ra cơn đau thắt ngực, trường hợp tắc nghẽn kéo dài có thể gây hoại tử một vùng cơ tim dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim cần được cấp cứu khẩn cấp.

– Bệnh động mạch ngoại biên: Thường gặp tắc nghẽn tại các động mạch chân gây ra các triệu chứng đau, thay đổi màu sắc da, tê bì, chuột rút, cảm giác nặng nề khi đi lại, thậm chí có thể gây hoại tử.

4.2. Huyết áp cao dẫn tới suy tim

Để chống lại áp lực cao trong lòng mạch do tăng huyết áp, tim buộc phải làm việc nhiều hơn, lâu dần khiến cho buồng thất trái (buồng tim phía dưới, bên trái) phát triển dày lên, gây khó khăn trong quá trình bơm máu, dẫn tới hậu quả cuối cùng là suy tim với các triệu chứng điển hình như khó thở, ho khan, phù chân tay…

4.3. Đột quỵ – biến chứng gây tử vong hàng đầu của tăng huyết áp

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tăng huyết áp và để lại những di chứng nặng nề về sau. Cơn đột quỵ xảy ra khi một phần não bộ không nhận được đủ máu và oxy cần thiết để duy trì chức năng, điều này có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại một số di chứng nặng nề như suy giảm trí nhớ, thị lực, tê liệt nửa người và rối loạn về ngôn ngữ… Đột quỵ do tăng huyết áp gây ra có thể do 2 nguyên nhân như sau:

– Thiếu máu cục bộ (chiếm 87%): Do mảng xơ vữa mạch phát triển dày lên theo thời gian có thể gây nứt vỡ và hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch não.

– Xuất huyết (chiếm 13%): Áp lực máu cao tác động lên thành mạch bị suy yếu có thể gây vỡ mạch máu não, khiến máu chảy vào các mô sâu trong não hoặc không gian giữa não và hộp sọ gây chết một phần não bộ.

4.4. Bệnh thận do tăng huyết áp

Tăng huyết áp là nguyên nhân thứ hai dẫn tới suy thận. Sự thu hẹp các mạch máu nuôi dưỡng cho thận gây ảnh hưởng tới chức năng lọc máu để điều chỉnh cân bằng muối nước trong cơ thể, có thể dẫn tới suy thận.

Mặt khác, thận cũng là một cơ quan quan trọng tham gia điều chỉnh huyết áp bằng cách sản xuất hormon renin giúp cơ thể điều hòa huyết áp. Tăng huyết áp khiến thận không thể đảm nhiệm tốt chức năng này, tạo nên một vòng bệnh lý luẩn quẩn gây không ít khó khăn trong việc điều trị.

4.5. Cao huyết áp gây suy giảm thị lực

Huyết áp cao làm gia tăng áp lực lên các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng cho mắt và dây thần kinh thị giác. Mạch máu có thể bị vỡ ra gây xuất huyết làm giảm thị lực của người bệnh với biểu hiện nhìn mờ, trường hợp nặng có thể dẫn tới mù lòa.

Ngoài ra, giảm thị lực có thể là hậu quả sau cơn đột quỵ não, do vùng não bộ chịu trách nhiệm xử lý thông tin hình ảnh bị tổn thương.

4.6. Rối loạn chức năng sinh dục do huyết áp cao

Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng tới khả năng tình dục của cả nam giới và phụ nữ:

– Ở nam giới: Sự bơm máu vào các mạch máu trong thể hang là cơ chế duy trì khả năng cương cứng của dương vật. Huyết áp cao làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thể hang, gây ra rối loạn chức năng cương dương.

– Ở phụ nữ: huyết áp cao làm giảm lưu lượng tới cơ quan sinh dục, có thể gây khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục.

4.7. Cao huyết áp anh hưởng đến tư duy và trí nhớ

Hẹp và tắc mạch máu nuôi dưỡng não bộ có thể ảnh hưởng đến vùng tư duy và trí nhớ gây ra các vấn đề về khả năng ghi nhớ, tập trung và học hỏi làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống của người bệnh.

  1. Cách phòng bệnh tăng huyết áp?

– Những người nghiện thuốc nên bỏ hẳn thuốc lá

– Chế độ ăn uống đảm bảo khoa học: Đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt không ăn mặn, ăn nhiều rau, ăn đủ lượng kali; nên nhiều cá, ăn thịt ít hơn

– Hạn chế uống rượu bia

– Kiểm soát cân nặng, để giảm nguy cơ béo phì, có thể dẫn đến tăng huyết áp.

– Tăng cường rèn luyện thể lực mỗi ngày, dễ thực hiện nhất là dành thời gian cho việc đi bộ mỗi ngày

– Giữ cho tinh thần lúc nào cũng phải lạc quan, thoải mái, tránh xa stress

– Duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý, tránh những tác động mạnh và bất ngờ

– Ngủ đủ giấc, có thời gian thư giãn mỗi khi áp lực công việc cao

– Kiểm tra huyết áp thường xuyên.


Tác giả bài viết: BS Nguyễn Đình Bản

5/5 - (1 bình chọn)
Xem thêm:
Liên hệ
challenges-icon chat-active-icon chat-active-icon