Một số giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành Y tế tỉnh Kon Tum

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến môi trường, phát triển, kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng trên toàn thế giới, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Biến đổi khí hậu, kéo theo là thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan (tăng tần suất và cường độ bão, nhiệt độ trái đất ấm dần lên và nước biển dâng…) đang trở thành mối đe dọa toàn cầu trong thế kỷ 21 và tác động tới tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Theo Tổ chức Y tế thế giới ước tính hàng năm BĐKH góp phần gia tăng gánh nặng một số bệnh tật như suy dinh dưỡng với 3,5 triệu người tử vong, tiêu chảy với khoảng 2,2 triệu người tử vong, sốt rét với khoảng 900 ngàn người tử vong và khoảng 60 ngàn người tử vong do các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, sốc nhiệt. Dự báo từ năm 2030 đến năm 2050, ước tính tác động của BĐKH sẽ làm tăng thêm khoảng 250 ngàn trường hợp tử vong mỗi năm.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với sự phát triển kinh tế đã tạo ra những tác động kép đến nhiều vùng, nhiều địa phương trên cả nước, gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt… ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống y tế và sức khỏe người dân. Khi nhiệt độ tăng 10C thì tăng 3,4-4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7-11% nguy cơ mắc SXH, tăng 5,6% nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng và tăng 1,5% số ca tiêu chảy. Vào những ngày có sóng nhiệt, tỷ lệ người già nhập viện do bệnh tim mạch tăng 13%. Thay đổi các điều kiện khí hậu như độ ẩm, lượng mưa, nhiệt độ có nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh mới nổi như sốt xuất huyết, sốt rét, cúm AH5N1, H1N1, bệnh Zika… Dự báo trong tương lai có thể có thêm nhiều bệnh mới do tác động BĐKH tại Việt Nam.

Để ứng phó với BĐKH, bảo vệ sức khỏe người dân, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó giao nhiệm vụ cho ngành Y tế xây dựng kế hoạch thích ứng với BĐKH giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, BĐKH tới sức khoẻ con người.

Một số giải pháp của Ngành Y tế cần triển khai thực hiện để thích ứng với BĐKH

  1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế, Kế hoạch của UBND tỉnh và của ngành Y tế nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, lồng ghép nội dung bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng trước tác động của BĐKH vào các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan của địa phương.
  2. Tăng cường kiến thức về BĐKH, tác động tới sức khỏe và các giải pháp thích ứng cho các cán bộ quản lý y tế, nhân viên y tế và cộng đồng qua các buổi tập huấn, hội thảo và các hoạt động/chương trình truyền thông.
  3. Lồng ghép các hoạt động truyền thông của ngành y tế về BĐKH và sức khỏe với các hoạt động truyền thông khác do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai vì ngành này đang thực hiện các hoạt động truyền thông khác nhau ở cộng đồng.
  4. Từng bước hoàn thiện quy hoạch ngành, xây dựng mạng lưới y tế, đầu tư nâng cấp các cơ sở y tế, trang thiết bị đảm bảo phục vụ công tác phòng chống dịch, khám chữa bệnh thích ứng với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan, chú trọng khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của BĐKH. Bố trí các trạm y tế xã ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lở đất, lũ quét, đảm bảo cung cấp các dịch vụ liên tục tới những người bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết cực đoan và các dịch bệnh.
  5. Đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch, các điều kiện vệ sinh, xử lý và tiêu hủy chất thải y tế tại các cơ sở y tế, bao gồm các trạm y tế xã, bệnh viện… Giảm thiểu phát sinh chất thải y tế, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; áp dụng các biện pháp tiên tiến trong xử lý chất thải, nước thải nhằm giảm phát thải khí mê-tan.
  6. Thiết lập hệ thống giám sát chủ động và cảnh báo sớm các tác động sức khỏe do BĐKH và các điều kiện thời tiết cực đoan gây ra, chú trọng tới các đợt nắng nóng/rét hại và tại các xã/huyện có người dân tộc thiểu số. Xây dựng bản đồ thể hiện các khu vực bị tổn thương và các tác động sức khỏe do BĐKH và thời tiết cực đoan gây ra. Dự báo thời tiết và các thông tin cảnh báo cần được chia sẻ kịp thời với ngành y tế để có thể ứng phó chủ động với các nguy cơ sức khỏe có liên quan.
  7. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo sớm các tác động của BĐKH đến sức khoẻ tích hợp với các hệ thống thông tin chuyên ngành Y tế.
  8. Tăng cường năng lực thích ứng an toàn với BĐKH (tăng cường khả năng phục hồi với các đợt rét đậm, lũ quét, lở đất, hạn hán …) và xác định các giải pháp khác nhau nhằm tăng cường tính khả thi và hiệu quả của “Phương châm 4 tại chỗ” trong phòng ngừa và giảm thiểu các tác động của thảm họa.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum tập huấn nâng cao năng lực cho nhân viên y tế tuyến huyện về hoạt động thích ứng Biến đổi khí hậu năm 2024

Đậu Thị Thanh Hoa – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

5/5 - (3 bình chọn)
Xem thêm:
Liên hệ
challenges-icon chat-active-icon chat-active-icon