Tổ chức truyền thông phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue kết hợp trong đợt giám sát Mô hình cộng đồng tự quản

Ngày 04/6/2019, tại Thôn 1, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, trong đợt hướng dẫn hoạt động truyền thông tại cộng đồng kết hợp giám sát hỗ trợ Mô hình Cộng đồng tự quản về vệ sinh, phòng chống tai nạn thương tích hướng tới xây dựng Làng sức khỏe và hoạt động xây dựng Làng sức khoẻ đợt 1 năm 2019 (sau đây gọi tắt là Mô hình Cộng đồng tự quản), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum đã kết hợp truyền thông phòng chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD).

Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh Kon Tum do BSCKI. Y Đứk – Phó Giám đốc TTKSBT làm Trưởng đoàn, cùng với 5 cán bộ y tế của khoa Truyền thông, giáo dục sức khỏe và khoa Sức khỏe môi trường – Y tế trường học – Bệnh nghề nghiệp làm thành viên (sau đây gọi tắt là Đoàn công tác). Tham gia phối hợp với Đoàn công tác có cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, Trạm Y tế xã Sa Sơn; thôn trưởng, nhân viên Y tế thôn và đại diện các hộ gia đình trong Thôn 1, xã Sa Sơn.

Quang cảnh một buổi thảo luận nhóm tại Thôn 1, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy

Mục đích của đợt công tác nhằm tổ chức truyền thông mẫu, cung cấp kỹ năng thực hiện hoạt động truyền thông theo phương pháp giáo dục hành động cho Trạm Y tế và thành viên tổ tự quản của thôn; đánh giá tình hình triển khai hoạt động Mô hình Cộng đồng tự quản tại tuyến huyện, xã. Qua giám sát thực tế, vệ sinh môi trường tại các hộ gia đình chưa đảm bảo, còn nhiều chai lọ chứa nước mưa, nhiều thùng trữ nước mưa để tưới rau và sinh hoạt mà không có nắp đậy…nguy cơ bùng phát dịch SXHD có thể xảy ra, vì vậy Đoàn công tác đã kết hợp truyền thông phòng chống SXHD.

Theo y văn, bệnh SXHD do vi rút Dengue gây ra; muỗi vằn (Aedes aegypti, Aedes albopictus) đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh SXHD xảy quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, khu vực Tây Nguyên tháng 6,7,8,9; đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi mắc bệnh SXHD người bệnh có những biểu hiện như: Sốt, xuất huyết, có thể ở nhiều mức độ khác nhau (chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam); nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

BSCKI. Trần Đức Cảnh – Trưởng khoa Truyền thông, giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  tỉnh Kon Tum đang hướng dẫn hộ gia đình diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống bệnh Sốt xuất huyết Dengue

BSCKI. Trần Đức Cảnh nhấn mạnh cho các hộ gia đình khi phát hiện người nghi mắc SXHD thì đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà, nhằm cách ly điều trị, phòng lây lan bệnh, chuyển tuyến kịp thời các trường hợp bệnh nặng. Đồng thời, thông tin sơ bộ tình hình mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Kon Tum, lũy tích đến ngày 31/5/2019 toàn tỉnh ghi nhận 129 trường hợp mắc, không có ca tử vong (trong đó thành phố Kon Tum 42, Đăk Hà 46, Đăk Tô 10, Ngọc Hồi 03, Đăk Glei 11, Sa Thầy 17), tăng 91 ca so với cùng kỳ năm trước.

Để phòng chống bệnh SXHD, Đoàn công tác đã truyền thông, hướng dẫn các hộ gia đình diệt lăng quăng/bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước trong nhà và xung quanh nhà như: Dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ (chum vại, bể nước mưa, cây cảnh phải có nắp đậy thật kín, thả cá…); lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm; loại trừ ổ lăng quăng/bọ gậy; đối với lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi; thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa…); loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi các hốc chứa nước tự nhiên (hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa…); sử dụng muối hoặc nhớt thải để diệt ấu trùng muỗi tại các ổ đọng nước (các hố ga ngăn mùi, lọ hoa… ).

Đối với cá nhân, khuyến khích, động viên từng thành viên trong gia đình thực hiện phòng muỗi đốt bằng cách thường xuyên ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài, nhất là đối với trẻ nhỏ; sử dụng hương xua muỗi, bình xịt xua, diệt muỗi cầm tay, vợt điện… Đây là buổi truyền thông mẫu để cán bộ y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy học tập và nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.

BSCKI.  Y Đứk – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cùng Đoàn công tác làm việc với BSCKI. Phan Minh Ca – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy

Làm việc với BSCKI. Phan Minh Ca – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, Đoàn công tác đã thông báo kết quả các nội dung về hoạt động truyền thông tại cộng đồng kết hợp giám sát hỗ trợ Mô hình Cộng đồng tự quản, bên cạnh đó BSCKI. Y Đứk đề nghị lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện trong thời gian tới hướng dẫn cho các Trạm Y tế trên địa bàn tham mưu cho Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo các thôn đồng loạt tổ chức hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy (1 tuần/lần nếu có ổ dịch) 2 tuần/lần; phối hợp với Đài Truyền thanh – Truyền hình, phòng Văn hóa – Thông tin huyện tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng chống bệnh SXHD thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng trên địa bàn toàn huyện./.

Tác giả bài viết: Dương Văn Lợt- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum

5/5 - (3 bình chọn)
Xem thêm:
Liên hệ
challenges-icon chat-active-icon chat-active-icon