Kết quả hoạt động phòng chống lao năm 2017 & định hướng hoạt động năm 2018

Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn (Mycobacterium Tuberculosis). Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp.

Bệnh dễ dàng lây qua các tiếp xúc thông thường như: Ho, hắt hơi, nói chuyện nên nguy cơ mắc bệnh lao có thể xảy ra với tất cả mọi người. Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao, xếp thứ 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và xếp thứ 13/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu.

Trước tình hình đó, công tác chống lao tại Kon Tum trong những năm vừa qua đã được lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế đặc biệt quan tâm chỉ đạo, động viên, khích lệ, hỗ trợ kinh phí hoạt động nên đã duy trì được sự hoạt động ổn định của mạng lưới phòng, chống lao từ tỉnh tới huyện và các xã, phường, thị trấn.

Hoạt động phát hiện chẩn đoán bệnh nhân lao mới được ưu tiên hàng đầu, tỷ suất phát hiện bệnh nhân lao hàng năm cao hơn hẳn so với các tỉnh trong khu vực Tây nguyên (tại Kon Tum: Phát hiện đạt 70/100.000 dân, Đăk Nông: 50/100.000 dân, Gia Lai: 35/100.000 dân và Đăk Lăk: 54/100.000 dân). Tỉnh Kon Tum luôn hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản của chương trình chống lao quốc gia và vượt một số chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ lệ tử vong do lao giảm <2%, tỷ lệ điều trị thành công đạt >95%, tỷ lệ bệnh nhân lao được sàng lọc HIV đạt 90%, quản lý điều trị 01 trường hợp bệnh nhân lao kháng thuốc.Để góp phần hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo một số hoạt động quan trọng về phòng, chống bệnh lao trên địa bàn toàn tỉnh như sau:

– Đẩy mạnh các hoạt động phát hiện thường quy, phát hiện chủ động dựa vào quản lý điều trị các bệnh nhân lao và lao kháng đa thuốc trong chương trình chống lao; chú trọng chất lượng quản lý điều trị, giảm bỏ trị.

– Duy trì và mở rộng hoạt động lồng ghép HIV/Lao và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao kháng đa thuốc, lao trẻ em, phối hợp y tế công – tư.– Tăng cường công tác truyền thông cung cấp kiến thức phòng chống bệnh lao đến các tầng lớp nhân, các ban, ngành, tổ chức xã hội, huy động sự tham gia của các cá nhân, tập thể vào hoạt động phòng, chống bệnh lao.

Một buổi truyền thông phòng chống lao tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú
xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi (tháng 3/2018)

– Tăng cường năng lực quản lý cho đội ngũ chuyên trách lao tuyến huyện, thành phố và năng lực xét nghiệm phát hiện bệnh lao cho cán bộ xét nghiệm tại các điểm kính, nhất là kỹ thuật xét nghiệm GenXpert cho 9 nhóm đối tượng nguy cơ kháng thuốc cao tại tuyến tỉnh.

x
Khám sàng lọc bệnh lao tại xã Văn Lem, huyện Đăk Tô (tháng 3/2018)

– Khuyến khích thực hiện các nghiên cứu về tình hình bệnh lao tại địa phương, ứng dụng mô hình, sáng kiến mới trong công tác phòng, chống lao giúp cho các hoạt động triển khai trọng tâm và hiệu quả hơn.

Phòng, chống bệnh lao là trách nhiệm của toàn xã hội và bản thân của mỗi người dân. “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao”, cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, sự tham gia của các sở, ban ngành, các tổ chức xã hội cùng chung tay, góp sức tiến tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng./.


Tác giả bài viết: BSCKI Hoàng Thị Tuyến, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm

Đánh giá bài viết
Xem thêm:
Liên hệ
challenges-icon chat-active-icon chat-active-icon